Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh Vancomycin

Lượt xem: 242 Ngày đăng: 23/04/2024

Rate this post

Vancomycin là một loại thuốc kháng sinh thường được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng như: Viêm xương tủy, viêm màng não, viêm đại tràng giả mạc, viêm nội tâm mạc…

Trên thị trường có dạng bào chế thuốc Vancomycin 1g thường được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên, dạng thuốc trong lọ cũng có thể được dùng ở dạng thuốc uống để điều trị bệnh đường ruột nghiêm trọng như tiêu chảy do nhiễm khuẩn Clostridium difficile. Khi uống Vancomycin, thuốc không hấp thụ vào máu mà sẽ giữ lại trong đường ruột và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn tại chỗ.

Vancomycin không phải là thuốc kháng sinh mới. Nó là Glycopeptid đầu tiên được phân lập từ Amycolatopsis orientalis từ giữa những năm 1950. Năm 1958, Vancomycin được sử dụng trên lâm sàng để điều trị Staphylococcus aureus kháng Penicillin. Tuy nhiên, vài năm sau, kháng sinh này không được ưu tiên dùng nữa, do xuất hiện nhiều độc tính do chế phẩm không tinh khiết.

Sau khi thay đổi quy trình sản xuất nâng cao độ tinh khiết của chế phẩm, Vancomycin lại được sử dụng rộng rãi trở lại từ những năm 1980. Vancomycin có tác dụng diệt khuẩn thông qua ức chế quá trình sinh tổng hợp vách tế bào vi khuẩn. Do cơ chế tác động lên chuỗi Peptidoglycan, thuốc không có tác dụng với vi khuẩn Gram âm. Ngoài ra, Vancomycin còn tác động đến tính thấm màng tế bào và ức chế quá trình tổng hợp RNA của vi khuẩn.

Một số nơi thường lạm dụng thuốc này như một sự lựa chọn cuối cùng, khi các thuốc kháng sinh khác đã bị vi khuẩn kháng lại. Tuy nhiên, Vancomycin kém hiệu quả hơn so với Beta-lactam kháng tụ cầu đối với nhiễm trùng Saureus nhạy cảm với Methicillin. Vancomycin được sử dụng với các kháng sinh khác khi điều trị viêm nội tâm mạc do tụ cầu kháng Methicillin không sinh Coagulase trên bệnh nhân có van tim nhân tạo và viêm nội tâm mạc do Enterococcus.

Vancomycin cũng đã được sử dụng như một loại thuốc thay thế cho viêm màng não do các chủng phế cầu kém nhạy với Penicillin. Tuy nhiên, Vancomycin vào dịch não tuỷ rất kém, nhất là khi dùng cùng Dexamethasone. Vì vậy, trong lâm sàng, nó không được ưu tiên điều trị đơn độc viêm màng não do phế cầu.

Vancomycin là thuốc được lựa chọn hàng đầu để điều trị nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus kháng Methicillin (MRSA)- một trong những tác nhân gây nên biến chứng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn thường gặp ở bệnh nhân hồi sức tích cực. Nhiễm trùng MRSA chủ yếu xảy ra ở những người đã bị bệnh và có thể gặp phải ở bất cứ đâu có dịch vụ chăm sóc sức khỏe như bệnh viện hoặc trong cộng đồng như cơ sở chăm sóc, viện dưỡng lão hoặc tại nhà. Đối với viêm mô tế bào/nhiễm trùng mô mềm nặng do MRSA gây ra, sử dụng Glycopeptide đường tiêm tĩnh mạch Vancomycin.

Vancomycin đường uống được sử dụng để điều trị tiêu chảy do Clostridioides gây ra viêm đại tràng giả mạc. Chỉ pha loãng dùng đường uống trong điều trị viêm đại tràng giả mạc gây bởi Clostridium difficile và viêm ruột do nhiễm khuẩn tụ cầu vì sinh khả dụng của đường uống thấp- dưới 5%. Vancomycin được dùng thay cho Metronidazole đối với trường hợp nhiễm trùng nặng do C.Difficile và được ưu tiên hơn cho những bệnh nhân không đáp ứng với Metronidazole.

Thận trọng khi sử dụng Vancomycin, bởi đây là thuốc hay gây dị ứng và sốc phản vệ, thường có nhiều ADR như hạ huyết áp, khó thở, ban đỏ, phát ban, viêm niêm mạc, ngứa, mề đay, suy giảm chức năng thận… Các phản ứng phản vệ nghiêm trọng có thể đe dọa tới tính mạng. Cần thận trọng trong quá trình sử dụng, vì thuốc có thể gây hạ huyết áp quá mức (bao gồm cả sốc, thậm chí ngừng tim), phản ứng giống giải phóng Histamin, phát ban dát sần hoặc ban đỏ. Để tránh các phản ứng này, cần pha loãng dịch truyền Vancomycin (2,5-5,0mg/ml) và truyền chậm trong 60 phút với tốc độ không quá 10mg/phút.

Thuốc cũng gây giảm bạch cầu trung tính có hồi phục. Cần theo dõi số lượng bạch cầu của người bệnh dùng Vancomycin kéo dài hoặc phối hợp dùng với các thuốc gây giảm bạch cầu.

Vancomycin cũng gây độc với thần kinh thính giác và có khả năng mất thính giác vĩnh viễn nếu sử dụng liều quá cao, đặc biệt khi kết hợp thêm các thuốc có cùng độc tính khác như kháng sinh Amikacin. Hội chứng Stevens- Johnson đã được ghi nhận trên bệnh nhân sử dụng Vancomycin với tình trạng mụn mủ, lở loét toàn thân. Khi tiêm truyền thuốc, cần theo dõi chặt chẽ phản ứng của bệnh nhân tại vị trí tiêm như đau, gây viêm tắc tĩnh mạch. Cần thay đổi vị trí truyền để giảm tần suất và mức độ nặng của các tác dụng phụ này.

Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội

 

 

DMCA.com Protection Status