Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Thuốc bôi ngoài da – Dùng thế nào cho đúng?

Lượt xem: 928 Ngày đăng: 22/05/2020

Rate this post
 Mùa hè nóng nực, mồ hôi nhiều, kết hợp với bụi bẩn, ô nhiễm môi trường… là cơ hội thuận lợi cho các bệnh ngoài da phát triển. Các thuốc dùng để bôi tại chỗ được sử dụng rất phổ biến, để trị các bệnh ngoài da này. Điều quan trọng là phải biết cách dùng đúng thì thuốc mới đạt hiệu quả chữa bệnh.

Thuốc bôi ngoài da tác dụng như thế nào?

Khi bôi thuốc ngoài da, thuốc có thể làm tăng cường hay hạn chế, thậm chí cản trở sự bốc hơi nước qua da. Có loại thuốc lại làm tăng diện tích tiếp xúc của da, giúp bốc hơi nước qua da dễ dàng hơn, làm mát da, chống sự ngưng tụ máu, giảm viêm. Ngược lại có loại thuốc bôi làm bít da, hạn chế bốc hơi mồ hôi, làm tăng sung huyết da.

Thuốc bôi ngoài da ảnh hưởng tới tuần hoàn da, gây giãn mạch hoặc co mạch. Tùy theo dạng thuốc và tá dược, thuốc sẽ ngấm vào da nhiều hay ít, nông hay sâu. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần chú ý đến tác dụng lý hóa học của thuốc như thuốc làm thay đổi pH của da, có thể ảnh hưởng đến quá trình oxy hóa khử trong tế bào, do sử dụng thuốc khử oxy hoặc nhượng oxy. Không chỉ tác dụng ngoài da, các thuốc bôi ngoài này có thể ngấm qua da, vào máu, tác dụng toàn thân. Như vậy, thuốc bôi ngoài da có cả tác dụng tại chỗ và và toàn thân, nên việc sử dụng thuốc bôi ngoài da cần hết sức thận trọng.

Sự hấp thu của thuốc qua da phụ thuộc vào đặc điểm của da (trạng thái lớp sừng, lớp mỡ bao phủ lên da, độ kiềm toan của da), đặc tính của các hoạt chất được sử dụng, dạng thuốc và dung môi được dùng, phản ứng của các thuốc đó trên da… Ảnh hưởng và tác dụng phối hợp các yếu tố trên sẽ quyết định mức hấp thu của da và tác dụng của các loại thuốc bôi ngoài da.

Thuốc bôi ngoài da

Thuốc bôi ngoài da có thể hấp thu toàn thân.

Các thuốc bôi ngoài da thường dùng

Thuốc sát khuẩn: Dung dịch thuốc sát khuẩn dùng để ngâm rửa, đắp gạc các thương tổn da trợt loét, nhiễm khuẩn, chảy dịch, có mủ vảy tiết như chốc lây, eczema cấp nhiễm khuẩn… Ví dụ: Dung dịch rivanol 0,1%, dung dịch yarish (thành phần gồm axit boric, glycerin, nước cất),  dung dịch becberin, NaCl 0,9%, nước lá bàng, nước lá chè tươi.

Đối với các dung dịch thuốc màu như tím metyl 1%, xanh metylen 1%, cestellani, milian… dùng để bôi vào các tổn thương da trợt loét, nhiễm khuẩn. Các loại kem mỡ kháng sinh như  mỡ chlorocid 1%, tetracylin 1%, kem silverin, fucidin, bactroban dùng bôi vào các tổn thương bệnh lý căn nguyên do vi khuẩn, hoặc nhiễm khuẩn khi tổn thương đã se khô.

Thuốc trị ghẻ: Dùng dầu DEP (diethylphtalat), kem eurax, dung dịch pemethrin 1%, dầu benzyl benzoat 33%, mỡ diêm sinh 10% (cho trẻ em) và  30% (cho người lớn).

Thuốc trị nấm hắc lào, nấm lang ben, nấm kẽ chân: Dùng cồn BSI 1%, 2,3%, cồn ASA, mỡ benzosali, mỡ clotrimazol 1%, kem nizoral, lamisil…

Thuốc trị eczema, viêm da: Các dung dịch ngâm rửa, đắp gạc (đã nói ở trên) dùng cho eczema cấp trợt loét, chảy dịch, nhiễm khuẩn 3-5 ngày đầu. Các dung dịch thuốc màu bôi các tổn thương chợt loét, nhiễm khuẩn 7-10 ngày đầu.

Hồ nước (thành phần gồm oxyd kẽm, bột talc, glycerin, nước cất) có tác dụng làm mát da, giảm viêm, sát khuẩn làm khô tổn thương, che chắn bảo vệ vùng tổn thương, bôi ngày 2 – 3 lần dùng cho viêm da, eczema cấp. Kem mỡ chứa corticoid (như eumovat, tempovate, temproson, mỡ flucinar…) bôi eczema, viêm da giai đoạn bán cấp và mạn tính. Ngoài ra còn có thể bôi một số loại kem chứa corticoid kết hợp với kháng sinh hoặc chống nấm…

Một số lưu ý khi sử dụng

Sử dụng thuốc bôi ngoài da phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da, có khi cả tuổi, giới, thời tiết, nghề nghiệp… thì mới có hiệu quả cao. Ví dụ: Đối với bệnh eczema cấp đang trợt, chảy dịch, mủ, vảy tiết chỉ cần dùng các dung dịch đắp gạc, ngâm, rửa hoặc thuốc màu… Nhưng đối với giai đoạn eczema mạn phải dùng dạng mỡ giảm viêm, giảm cộm, bạt sừng…

Do thuốc bôi không những có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân, tác động lên toàn bộ cơ thể nên dùng phải hết sức thận trọng, nhất là khi bôi cho trẻ em, hoặc khi bôi trên diện tích da rộng…

Không nên bôi một thuốc thời gian quá dài, cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị, cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai… Thường một đợt bôi thuốc khoảng 10-15 ngày. Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc và theo dõi tình trạng bệnh (cùng với bác sĩ), tái khám để đánh giá diễn biến bệnh, điều chỉnh thuốc kịp thời khi cần thiết. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi các  bất lợi có thể xảy ra khi dùng vì một số thuốc bôi và ở một số người thuốc có thể gây dị ứng.

 

DS. Nguyễn Thị An

(Suckhoedoisong)

 

DMCA.com Protection Status